CÁC NHÓM TRỐNG THEO HÌNH DẠNG

CÁC NHÓM TRỐNG THEO HÌNH DẠNG

Nguyễn Xuân Quang

Qua chương CƠ THỂ HỌC TRỐNG ĐỒNG ÂM DƯƠNG ĐÔNG NAM Á, ta đã biết sự Phân Loại Trống Đồng của Nguyễn Xuân Quang Dựa Trên Ý Nghĩa Vũ Trụ Thuyết (có căn bản là âm dương sinh ra tứ tượng tạo nên vũ trụ, muôn sinh được biểu tượng bằng Cây Vũ Trụ, Cây Tam thế, Cây Đời Sống) gồm có 6 loại: trống âm dương, bốn loại trống ứng với tứ tượng và trống Cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế:

 1. Trống Nguyễn xuân Quang Loại I (NXQ. I): Trống Hình Trứng, Trống Âm Dương, Trống Trứng Vũ Trụ, Trống Thái Cực.

Cần lưu tâm

Tôi khởi sự chọn loại số I là trống âm dương vì trống đồng là trống âm dương (hở đáy, có mặt trời, không gian ở tâm mặt trống…), không có trống đồng thuần âm hay thuần dương.

Vì trống biểu tượng cho ngành dương (Việt ngữ trống có một nghĩa là đực) trong khi cồng và gương đồng biểu tượng cho ngành âm nên tôi đặt tên loại NXQ I là loại trống vũ trụ ngành dương tức là dạng trống vũ trụ có âm có dương, trống âm dương của ngành trống, dương.

2. Trống Nguyễn Xuân Quang Loại II (NXQ.II): Trống Hình Trụ Ống, Trống Tượng Lửa Dương, Lửa Vũ Trụ, Trống Mặt Trời Lửa, Trống Thái Dương, Trống Càn, Trống Cực Dương.

3. Trống Nguyễn Xuân Quang Loại III (NXQ.III): Trống Hình Lọng, Trống Tượng Gió Dương, Trống Mặt Trời Gió, Trống Thiếu Âm, Trống Đoài vũ trụ, (Heger III).

4. Trống Nguyễn Xuân Quang Loại IV (NXQ.IV): Trống  Hình Nồi Úp, Trống Tượng Nước Dương, Trống Mặt Trời Nước, Trống Thái Âm, Trống Chấn (Heger IV).

5. Trống Nguyễn Xuân Quang Loại V (NXQ.V): Trống Hình Tháp Trụ Tròn Cụt Đầu, Trống Tượng Đất Dương, Trống Núi Nổng, Trống Trụ Chống Trời, Trống Mặt Trời Đất, Trống Lửa Thế Gian, Trống Thiếu Dương, Trống Li, Trống Trục Thế Giới (Heger II).

6. Trống Nguyễn Xuân Quang Loại VI (NXQ.VI): Trống  Hình Cây Nấm, Trống Nấm Vũ Trụ, Nấm Tam Thế, Nấm Đời Sống, Trống Mặt Trời Tạo Hóa, Trống Sinh Tạo (Heger I).

A. Nhóm Trống Nguyễn xuân Quang Loại I (NXQ. I)  hay Trống Hình Trứng, Trống Âm Dương, Trống Trứng Vũ Trụ, Trống Thái Cực.

Không có trong cách xếp loại của Heger.

Trống Vũ Trụ âm dương này thường thấy nhất là trống có hình trứng giống như trống cái bịt da thường gọi là trống thùng (barrel drum). Tôi gọi những trống loại này là trống Vũ Trụ âm dương, trống Trứng Vũ Trụ, trống Thái Cực.

Trống này khi lật ngược lên thành một vật đựng hình trứng giống như thùng (barrel) làm rượu vang.

Trong Những Trống Đồng Đông Sơn Đã Phát Hiện Ở Việt Nam (1975), các tác giả Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh có nói tới các loại trống đồng giống “các loại trống da” như trống Cảnh Thịnh (Tây Sơn) (trống mang ký hiệu D.6214-22), trống để ở chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện tỉnh Nam Hà, trống đời Nguyễn trưng bày tại viện bảo tàng đền Hùng tỉnh Vĩnh Phú “về mặt hình dạng được mô phỏng theo loại trống gỗ bịt da, nhưng vẫn giữ được truyền thống của trống đồng là chúng chỉ có một mặt” (tr.14).

Rất tiếc là không có hình ảnh. Theo linh tính tôi nghĩ là trong các loại trống mà các tác giả này nói đến có loại trống hình trứng NXQ I vì giống loại trống da.

Lưu Ý

Mỗi nhóm của 6 trống này về phương diện Vũ Trụ giáo có đủ các trống diễn tả trọn vẹn hay một phần thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh và về phương diện chủng tộc có đủ các trống biểu tượng cho họ, ngành, nhánh, đại tộc, tộc, chi tộc của chủng Người Vũ Trụ, Người Mặt Trời ứng với Bách Việt, Người Việt Mặt Trời  thái dương. Ví dụ như ta đã thấy qua nhóm trống Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I) mà trống đồng âm dương Ngọc Lũ I là trống tiêu biểu của nhóm.

Tuy nhiên cần phải phân biệt là theo chính thống thì những khuôn mặt trống khác nhau đó chỉ nằm trong một nhóm trống mà thôi. Ví dụ trong nhóm trống Nguyễn Xuân Quang V (Heger II) có những trống diễn tả trọn vẹn Vũ Trụ Tạo Sinh, có những trống diễn tả tứ Tượng, diễn tả lưỡng cực, nhất thể… hay biểu tượng cho toàn đại tộc, tộc, chi tộc nhưng tất cả CHỈ nằm trong nhóm trống Nguyễn Xuân Quang V, Trống Lửa Đất thế gian Li mà thôi. Chẳnh hạn như ta có trống tạo hóa, sinh tạo, trống tượng Nước hay tộc Nước, tượng hay tộc Gió, vân vân… của nhóm trống Li Lửa Đất.

B. Nhóm Trống Nguyễn Xuân Quang Loại II (NXQ.II)  hay Trống Hình Trụ Ống, Trống Tượng Lửa Dương, Lửa Vũ Trụ, Trống Mặt Trời Lửa, Trống Thái Dương, Trống Càn, Trống Cực Dương.

Không có trong cách xếp loại của Heger.

Trống loại này có hình ống hay hình trụ tròn thẳng tuột như cái ống tròn với đáy để hở biểu tượng cho nọc, dương, thái dương, Càn (Kiền) và tượng lửa.

Việt Nam hiện có loại trống cơm hình trụ ống thẳng hình trụ nọc que chính là loại trống này, chỉ khác trống đồng ở chỗ là làm bằng vật liệu không phải là đồng và có hai đầu kín bịt da.

 Trống cơm Việt Nam (nguồn vatgia.com).

Trống cơm này còn giữ nguyên dạng nọc que chính thống biểu tượng cho nọc, lửa. Cây gậy sắt của Ông Dóng (Sấm) Phù Đổng Thiên Vương, nếu muốn, có thể coi như là hình ảnh của chiếc trống hình trụ này. Thần sấm có biểu tượng là chiếc trống (“đánh trống qua cửa nhà sấm”) nên thần sấm dông Ông Dóng có biểu tượng là chiếc trống dóng sấm gậy sắt.

Những ống một mặt kín, vại, thạp đồng hình trụ tròn có mặt giống mặt trống đồng nòng nọc, âm dương có thể coi như là trống hình trụ ống lật ngược lên.

Cần phải dựa vào các chi tiết khác để phân biệt, nhận dạng.

Trong các trống đồng giống trống bịt da mà hai tác giả đã nói ở trên đã đề cập tới không biết có chiếc nào có hình trụ ống hay không?

Trong các trống đồng ở những vùng khác ở Đông Nam Á, Nam Dương có loại trống đặc biệt gọi là trống pegeng có hình ống biến thể của loại trống nhóm II này. Biến thể vì có eo ở thân trống.

Đây là loại trống đặc thù chỉ thấy ở Nam Dương, không thấy ở một chỗ nào khác.  Trống loại Pejeng được chia ra: trống hết sức lớn là Pejeng Trăng Bali, trống lớn là trống Manuaba, cỡ trung, trống nhỏ là loại mokos Alor và trống tí hon (Kempers, p.329).

 Trống pegeng khổng lồ Trăng Bali.

(nguồn: A.J. B. Kempers Pl 3.01d, e).

               Trống moko có hình mẹ đời.

(nguồn: A.J. B. Kempers Pl 2.108).

Trống hình trụ có thắt eo. Thân trống giống chiếc chầy có eo cầm hay hình giống chiếc đồng hồ nước, đồng hồ cát. Tôi gọi trống này là trống chầy vì chầy cặp đôi với cối và biểu tượng cho đực, trống.

Chầy gỗ có eo cầm ở giữa giống trống moko (nguồn metmuseum.org).

Trống chầy lật ngửa lên thành cái cối có eo.

Chiếc cối hình trống moko lật ngược tại đền Lakshmana, Khajuraho, Ấn Độ. Hai người đang giã thuốc kích dục giữa cảnh tình thuật (ảnh của tác giả).

Tổng quát trống chầy có hình trụ tròn, hình nọc mang nhiều dương tính, chầy là biểu tượng cho dương, nọc, bộ phận sinh dục nam (lật ngửa lên là cái cối hình ống, hình âm đạo) vì thế trống loại này có thể coi là loại mang dương tính tột độ nhưng vì có eo nên là một dạng biến thể của trống hình ống trụ tròn của một tộc ở hải đảo nghiêng về văn hóa nước.

Trống pejeng ruột thịt với trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn vì có mặt đáy để hở và ở tâm trống có hình mặt trời nằm trong vòng tròn không gian. Vì thế trống Pejeng cũng mang ý nghĩa  của vũ trụ thuyết giống như trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn. Ta thấy rõ điểm này qua hình ảnh Mẹ Đời, Người Đàn Bà Nguyên Khởi khắc trên chiếc trống moko ở hình trên.

Mặt trống Pejeng có phần giữa tâm trống cũng vẫn là hình chiếu của cõi trên Thượng Thế. Phần mặt trống còn lại ở, phía ngoài là vùng đất cõi nhân gian của Trung Thế. Tang trống là vùng  nước của Trung Thế. Phần dưới eo trống là Hạ Thế, cõi âm. Trụ trống hay eo trống là Trục Thế Giới thông thương ba cõi.

Trống cũng tìm thấy chôn trong các mộ và dùng trong các nghi thức tôn giáo, lễ hội, biểu tượng cho quyền lực, phú quí và dùng làm của sính hôn…

Cũng giống như trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn  các trống loại Pejeng có trang trí thay đổi theo Vũ Trụ Tạo Sinh  theo các ngành, đại tộc, tộc, tùy theo cỡ lớn nhỏ của trống.

 Ở đây chỉ xin nói tổng quát về loại trống pegeng và moko này, xin xem chi tiết trong bài viết Trống Pegeng Nam Dương.

Tại sao trống pejeng, moko có hình chiếc chầy? Trống chầy pejeng nhất là loại nhỏ moko, thấy rất rõ mang hình ảnh của dóng sấm hay búa thiên lôi đơn (simple thunderbolt, vajra).

 Trống pejeng bali, moko có hình giống dóng sấm hay búa thiên lôi đơn.

 Lưu ý trống Nguyễn Xuân Quang II hình trụ ống của tộc lửa dương có hình trụ của vajra giống như cây gậy sắt của ông Dóng trong khi trống pejeng, moko có hình trụ có eo ở phía ngoài của vajra là của tộc  lửa âm, nước.

Loại trống thường bằng da có hai mặt kín thuộc loại có hình dóng sấm đơn như trống pejeng, moko này thường thấy ở Ấn Độ. Ví dụ trống của thần Shiva có hình dóng sấm đơn giống trống moko, pejeng nhưng là trống thường có hai mặt bịt kín.

 Thần Shiva có một biểu tượng là chiếc trống hình dóng sấm có cùng hình dạng với trống moko.

Thần Shiva là thần Sinh Tạo và Hủy Diệt cho thấy chiếc trống biểu tượng của thần hình dóng sấm mang ý nghĩa của Vũ Trụ giáo trong đó có ba khuôn mặt Sinh Tạo, Hủy Diệt và Tái Sinh.

Ở đây ta cũng thấy rõ trống pejeng, moko là nhánh trống của đại tộc Đông Sơn ở Nam Dương bị ảnh hưởng của Ấn giáo nên mới có hình dóng sấm.

Như thế trống pejeng hình dóng sấm đơn có một khuôn mặt chính ở đây là biểu tượng cho sấm. Sấm do liên tác giữ lửa vũ trụ, bầu trời, tia chớp liên tác với nước vũ trụ, bầu trời, mưa.

Ta đã biết sấm mang trọn vẹn ý nghĩa Vũ Trụ Tạo Sinh (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á). Tiếng nổ big bang vào lúc khai thiên lập địa là một tiếng sấm. Hình chữ S trong đĩa thái cực theo duy dương ở nửa phần mặt trắng của đĩa là sóng lửa và theo duy âm ở nửa phần mặt đen, âm của đĩa là sóng nước (lưu ý dạng sóng là dạng chuyển động, vận hành, sinh tạo).

Chữ S trong đĩa thái cực có một khuôn mặt là sấm sinh tạo.

Vì thế mà chữ S trong đĩa thái cực có một khuôn mặt sấm sinh tạo khai thiên lập địa.

Về hình thể, kiểm chứng với chữ viết nòng nọc vòng tròn-que ta cũng thấy rất rõ điểm này. Nhìn tổng quát thì trống chầy hình dóng sấm có hình nọc, dương, lửa I đâm xuyên qua phần tròn nòng O ở giữa, tức nòng nọc, âm dương, nước lửa giao hòa sinh ra vũ trụ, muôn sinh. Nước lửa giao hòa ở cõi vũ trụ, cõi trời sinh ra sấm. Điểm này cũng cho thấy rõ sấm có một khuôn mặt sinh tạo trong Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo.

Đọc theo duy dương (vì trống có một nghĩa là đực) tức có tính dương trội, thì hai phần ống ở trên và dưới eo mang dương tính coi như hai nọc que I, I và phần eo tròn coi như là một nòng O. Như thế theo duy dương ta có IOI, tức quẻ Li, lửa thiếu dương. Đọc theo duy âm tức có tính âm trội, thì hai phần ống ở trên và dưới eo mang âm tính coi như hai nòng OO và phần eo coi như là một nọc que I. Như thế theo duy âm ta có OIO, tức quẻ Khảm, nước thiếu âm. Rõ như hai năm là mười trống chầy pejeng hình dóng sấm đơn có hai khuôn mặt dương âm lửa Li nước Khảm có thể tạo ra sấm.

Như thế trống pejeng, moko, mang ý nghĩa triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh giống như trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn. Tuy nhiên cần phải phân biệt là triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh của trống pejeng Nam Dương nhìn dưới lăng kính chính của dóng sấm tức có tính lửa vũ trụ mang tính chủ. Trong khi trống đồng nòng nọc, âm dương Đông Sơn hình Nấm Vũ Trụ mang trọn vẹn triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh dưới nhìn lăng kính Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống), tức dưới góc cạnh trọn vẹn của triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh.

Lưu Ý

Ở đây một lần nữa qua nhóm trống pejeng, moko, này  xác thực trống đồng của đại tộc Đông Sơn là trống nòng nọc, âm dương mang trọn vẹn triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh, là trống biểu của Vũ Trụ giáo.  

Như thế trống pejeng, moko cũng có đủ các loại trống diễn tả tất cả các khía cạnh, các khuôn mặt của Vũ Trụ Tạo Sinh và có tất cả các trống biểu tượng cho họ, ngành, đại tộc, tộc ứng với các khuôn mặt của Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo, dĩ nhiên là của đại tộc tượng lửa mang ảnh hưởng của văn hóa hải đảo và Ấn giáo.

Cần lưu tâm

Trống loại này mang trọn vẹn ý nghĩa Vũ Trụ Tạo Sinh của tượng lửa hay tất cả các khuôn mặt của đại tộc lửa. 

Vì lửa thái dương mang nghĩa Càn, cực dương, lửa, vì thế,  trống hình trụ ống có ít nhất ba khuôn mặt của ngành nọc lửa: vũ trụ dương, cực dương và tượng lửa Càn của ngành dương. Cần phải dựa vào các chi tiết khác để phân định.

Điểm này cho thấy rõ trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn khi xuống Nam Dương trở thành trống pejeng, moko đã pha trộn với văn hóa Ấn giáo nên có hình dóng sấm. Ta sẽ không ngạc nhiên thấy trống pejeng, moko trang trí với các biểu tượng của Ấn-Độ giáo.

Một trống moko có trang trí các ngọn lửa của Ấn giáo.

Trống penjeng

 Đây là loại trống chầy hết sức lớn, thường gọi là trống  Trăng Pejeng hay Trăng Bali, là chiếc trống đồng lớn nhất  thế giới, hiện để tại miếu thờ Pura Panataran Sasih (Sasih có nghĩa là Trăng), ở làng Intaran-Pejeng, Gianyan, gần Ubud,  miền trung Bali.

Ta đã thấy trống pejeng có hình dáng dóng sấm vì bị ảnh hưởng của Ấn giáo. Ta cũng thấy rất rõ tại sao trống pejeng Trăng Bali lại có mặt hay được làm ra ở đảo Bali. Bởi vì Ba Li là nơi bị ảnh hưởng nặng nề của Ấn giáo.

Sẽ giải đọc trống này trong bài Trống Đồng Đặc Biệt Penjeng, Nam Dương.

Trống moko.

Trống moko thường được cho là có liên hệ gốc gác ở đảo Alor, Nam Dương. Dĩ nhiên trống moko cũng tìm thấy ở các đảo khác.  Sau này vào thế kỷ 19, vì có nhu cầu dùng làm đồ sính hôn quá nhiều nên trống moko được chế tạo từ Trung Quốc và Java rồi đem tới đảo Alor (Wikipedia).

Sẽ giải đọc một vài trống moko kiểu mẫu trong bài Trống Đồng Đặc Biệt Penjeng Nam Dương.

C. Nhóm Trống Nguyễn Xuân Quang Loại III (NXQ.III) hay Trống Hình Lọng, Trống Tượng Gió Dương, Trống Mặt Trời Gió, Trống Thiếu Âm, Trống Đoài vũ trụ, (Heger III).

Như đã thấy ở chương Cơ Thể Học Trống Đồng, trống loại này có hình lọng ống (tán hình ống là biến thể của túi bao) biểu tượng cho không gian, gió.

Lọng có tán hình ống biểu tượng cho không gian, gió (nguồn internet).

Sau đây là một vài trống đồng loại này.

 

Trống Lương Sơn, Kim Bôi thuộc loại Nguyễn Xuân Quang III tức Heger III  (J. Cuisinier, Les Mường).

Trống loại Nguyễn Xuân Quang III tức Heger III của tộc Shan (Karen) (nguồn: A.J. B. Kempers Pl.1904).

 Phần đế trống thẳng tuột là phần nối dài của thân trống nhưng sự phân chia giữa thân và đế vẫn còn thấy rõ. Thân và đế trống trở thành hình cây trụ tương đương với cán lọng.

Ta thấy rõ trống đồng Heger III thuộc loại trống hình lọng ống loại trống NXQ III hay trống khí gió Đoài vũ trụ này.

Về hình thể đọc theo chữ viết nòng nọc vòng tròn-que ta cũng thấy rất rõ điểm này. Trống Nguyễn Xuân Quang III hình lọng ống, đọc theo duy dương (vì trống có một nghĩa là đực) từ dưới lên (theo chiều dương hướng lên mặt trời) ta có thân và đế trống là cán lọng tức chữ nọc que I. Phần bầu phía trên còn lại của trống là nòng O. Gộp lại ta có IO, thiếu âm, nguyên thể của khí gió tức Đoài vũ trụ.

Ta cũng đã thấy rõ cây lọng có vòm hình tròn ống biểu tượng cho gió. Tương tự cây quạt có mặt tròn cũng biểu tượng cho gió (Việt ngữ quạt biến âm với Phạn ngữ vâta, gió).

Khi lật ngược lên trống có hình cái ngỗng (đựng) rượu.

Lưu Ý

Trống loại này mang trọn vẹn ý nghĩa Vũ Trụ Tạo Sinh của tượng gió hay tất cả các khuôn mặt của đại tộc gió. Nhóm trống có ít nhất ba khuôn mặt: một với nghĩa không là biểu tượng cho Hư Không (tầng trời), một với nghĩa dông là biểu tượng cho tượng Gió dương (tầng giữa thế gian) với nghĩa dóng là biểu tượng cho sấm dông (tầng trời cõi âm, cõi dưới).

Trống loại này biểu tượng cho gió dương, mặt trời gió, sấm dông, thiếu âm ngành dương, Đoài vũ trụ (xin nhắc lại Đoài vũ trụ có nghĩa là cái bọc ấm khí dương, trong khi Đoài thế gian là cái bọc ấm nước, ao đầm).

Đôi khi trong các trống loại này cũng có trống dùng làm biểu tượng cho Cõi Trên. Trống loại này thấy ở góc dưới bên phải, dưới phần nhô ra của mái cong của một ngôi nhà nọc, nhà mặt trời trên trống trống Ngọc Lũ I.

clip_image002[8]

Trống NXQ.III hay Heger III loại này có hình lọng trên trống Ngọc Lũ I.

Mặt trống quay về bên trái (chiều âm) nên có âm tính tức (trống) dương của nòng âm tức thiếu âm, nguyên thể của khí gió Đoài. Trống để nằm ngang biểu tượng đất bằng thế gian nhưng trống không để sát mặt đất mà để trên cao, “trên không khí”.

Heger gọi trống này là trống Shan vì ông thấy nhiều loại này ở vùng Shan của người Karen ở phía đông Myanma (Miến Điện). Ông cũng cho rằng người Karen đã chế ra trống Shan này. Người Shan nói tiếng Tầy Thái tức thuộc ngành âm, ngành ngoại của họ Mặt Trời (Hồng Bàng). Ta biết gió là thiếu âm tức Khôn dương, ngành âm. Như thế ta thấy rất rõ người Shan nói tiếng Tầy Thái ngành âm và làm nhiều trống mặt trời gió cho nên họ thuộc hệ tộc gió dương Đoài vũ trụ của dòng Tầy Thái.

Sẽ giải đọc một vài trống Shan tiêu biểu trong vài viết Trống Đồng Shan.

D. Nhóm Trống Nguyễn Xuân Quang Loại IV (NXQ.IV) hay Trống  Hình Nồi Úp, Trống Tượng Nước Dương, Trống Mặt Trời Nước, Trống Thái Âm, Trống Chấn (Heger IV).

Trống loại này không có trụ hay thân trống chỉ có tang trống và đế ở dưới. Trống không có phần thân hình trụ nên trống trông có dáng lùn tịt, vì thế gọi là trống trệt (squat).

Một trống Nam Trung Hoa thuộc loại Nguyễn Xuân Quang IV (Heger IV) (ảnh của tác giả chụp tại Bảo Tàng Viện SấcTộc Nam Ninh) .

Trống không có phần thân trụ nên không có dương tính hay có rất ít dương tính, trống mang tính âm chủ. Nói theo Dịch là trống thái âm, nước. Vì là trống (có một nghĩa là đực, dương, mặt trời) nên là trống thái âm, nước dương của ngành nòng Khôn thái dương mặt trời tức Chấn.

Ta cũng thấy không sai, trống trông như cái nồi úp hình cái âu, khi lật ngược lên trở thành cái nồi, cái chậu, biểu tượng cho nước (xem chương Ý Nghĩa Của Trống Đồng).

Ta thấy rõ trống đồng Heger IV thuộc loại này.

Heger gọi trống này là trống Nam Trung Quốc vì trống này tìm thấy rất nhiều ở Miền Nam Trung Quốc.  Trên nhiều trống muộn loại này có các mô-típ kiểu Trung Quốc như rồng và cá, trên một vài trống có cả Hán tự. Mô-típ cá, rồng ăn khớp trăm phần trăm với trống nước, trống mặt trời nước Lạc Long Quân vì Lạc Long Quân có vật biểu là rồng thuồng luồng, giao long, cá chép. Còn trên trống có chữ Hán cho biết rõ trống này là trống rất muộn, được làm vào thời đã bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc hay đã bị Trung Quốc thống trị, đồng hóa. Thật là dễ hiểu vùng Nam Trung Quốc là địa bàn của Tầy Âu, Thái, Lạc Việt (Tráng Zhuang)  dòng nòng, họ ngoại mặt trời nước Lạc Long Quân Âu Cơ (xem chương Ý Nghĩa Của Trống Đồng). Trống Nam Trung Quốc là trống nước, trống sấm mưa, nồi úp.

Trống loại này thấy ở góc dưới bên phải dưới phần nhô ra của mái cong của một ngôi nhà mặt trời trên trống Sông Đà.

Trống Chấn NXQ IV trên trống Sông Đà.

Cần lưu tâm

Trống loại này mang trọn vẹn ý nghĩa Vũ Trụ Tạo Sinh của tượng nước hay tất cả các khuôn mặt của đại tộc nước. 

Vì nước thái âm mang nghĩa khôn âm, cực âm, nước, vì thế, như đã thấy ở chương Ý Nghĩa Trống Đồng Đông Nam Á, trống hình cái âu nồi úp có ba khuôn mặt của ngành nòng nước: Cõi Trên là vũ trụ âm nam, cực âm nam, Cõi Giữa là tượng nước Chấn, sấm mưa và Cõi Dưới là Cõi Âm của ngành âm. Cần phải dựa vào các chi tiết khác để phân định.

Sẽ giải đọc một vài trống Lạc Việt Tráng Zhuang, trống Vân Nam tiêu biểu trong vài viết Trống Đồng Nam Trung Hoa.

E. Nhóm Trống Nguyễn Xuân Quang Loại V (NXQ.V) hay Trống Hình Tháp Trụ Tròn Cụt Đầu, Trống Tượng Đất Dương, Trống Núi Nổng, Trống Trụ Chống Trời, Trống Mặt Trời Đất, Trống Lửa Thế Gian, Trống Thiếu Dương, Trống Li, Trống Trục Thế Giới (Heger II).

Trống loại này có hình trụ chống, hình tháp tròn có đáy xoạc ra trông giống như cây trụ cắm trên cái đế lớn vì thế trụ trống hay thân trống trông choãi ra (sloping trunk or axis) theo chính thống, trống có thân trụ cường điệu nhất. Thân trụ cao, dài hơn tất cả các phần khác của trống và đế xoạc rộng ra trông vững chắc. Trống trông như một người đứng trụ hai chân xoạc ra.

Trống hình trụ tháp NXQ V Làng Vạc II có thân và đế choãi ra hình núi tháp tròn cụt đầu.

Khi lật ngược lên trống trở thành cái thạp đồng.

Trống loại này có khuôn mặt chính là biểu tượng cho đất dương, núi dương tức núi nhọn đỉnh, Núi Trụ Thế Gian (dương trần, thế gian, Cõi Giữa), núi lửa, lửa thế gian, thiếu dương, Li. Ta thấy rất rõ trống trụ chống hay trống hình tháp này biểu tượng cho tượng đất dương (dương trần, thế gian) này qua hình ảnh miếu thổ thần. Trên những cánh đồng ở miền Bắc, đó đây có những miếu thổ thần, giản dị chỉ có một cây đa trồng trên một cái gò đất tròn. Cây đa mang hình bóng chiếc trụ, trụ chống, trục thế giới, diễn tả theo chữ nòng nọc là ( | ) và cái gò đất tròn là cái đế của trụ chống, diễn tả theo chữ nòng nọc là (O). Đọc theo Dịch từ dưới lên trên ta có O| tức thiếu dương, nguyên thể của đất. Rõ ràng cây đa trên cái gò mang biểu tượng của trụ chống, của đất nên đó là hình ảnh của Thổ Thần. Mặt khác, trống loại này có hình tháp, Anh ngữ gọi tháp là pyramid. Từ này có gốc Hy Lạp ngữ pyro- là lửa. Rõ như hai năm là mười trống có hình tháp này là trống pyramid, trống pyro-, trống tượng lửa, trống Li. Ta biết theo Dịch Li có một nghĩa là lửa, mặt trời, tia chớp… Lửa đây là lửa tầng thế gian, lửa phun ra từ núi lửa, núi dương, mặt trời là lửa của tầng trên, tầng trời và chớp là tia lửa trong mưa là lửa của tầng dưới nước.

Vì Trục Thế Gian (World Axis) đi qua tâm Núi TrụThế Gian nên đôi khi có loại trống này cũng là trống biểu tượng cho Trục Thế Gian.

Về khảo cổ học, các học giả Việt Nam chia trống đồng Đông Sơn (NXQ VI) ra làm hai ngành: ngành có thân thẳng đứng và ngành có thân và đế choãi ra. Ngành sau này là nhóm trống hình trụ tháp tròn cụt đầu NXQ V. Theo các tác giả này, trống thân choãi ra thường tìm thấy ở vùng cao nguyên (tức đất dương) và trên thân (trụ trống) thường có các hoa văn hình “răng sói” (Nguyễn Văn Huyên, Hà Thúc Cần biên soạn lại, tr.26). Rõ như ban ngày, trống có thân choãi hình trụ chống, hình tháp tròn cụt đầu và có hình răng sói theo chữ nòng nọc có một biểu tượng là núi tháp là những trống biểu của các tộc người ở vùng đất dương, cao nguyên, vùng núi.

Trống loại này thấy ở góc dưới bên trái của chái nhà mái cong của một ngôi nhà nọc, nhà mặt trời trên trống Ngọc Lũ I. Trống để ở bên trái tức phía âm ngôi nhà nọc dương nghĩa là âm (O) của dương tức O|, thiếu dương, bản thể của Li. Trống để nằm ngay sát mặt đất mang ý nghĩa biểu tượng cho cõi bằng, cõi đất thế gian và mặt trống quay về phía bên phải mang ý nghĩa dương (|) của ngành dương lửa.

clip_image002[26]

Trống NXQ.V hay Heger II, loại này có hình Trụ Chống, hình tháp trên trống Ngọc Lũ I.

Trống có hình trụ chống có phần đế choãi ra cường điệu nhất so với các phần khác.

 Trống loại này mang trọn vẹn ý nghĩa Vũ Trụ Tạo Sinh của tượng lửa thiếu dương hay tất cả các khuôn mặt của đại tộc lửa. 

Xem giải đọc trống Làng Vạc II Hùng Kì.

F. Nhóm Trống Nguyễn Xuân Quang Loại VI (NXQ.VI) hay Trống Hình Cây Nấm Vũ Trụ, Nấm Tam Thế, Nấm Đời Sống, Trống Mặt Trời Tạo Hóa, Trống Sinh Tạo,  (Heger I).

Trống loại này chia làm ba phần rõ rệt khá cân đối: vai rộng, thân trống thẳng đứng và đáy loe ra. Trống có hình cây nấm bằng đầu (vì trống cần có một mặt bằng để đánh nên vòm chóp của cây nấm phải đập dẹp xuống làm mặt trống).

Cây nấm là hình ảnh của cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế (một tộc Thái ở Nghệ An có Cây Vũ Trụ là Cây Nấm). Người Đại Hàn có văn hóa thờ Nấm chính là văn hóa thờ Nấm Vũ Trụ trong Vũ Trụ giáo (xem Thần Tổ Dol Hareubang).

Trống Nấm Vũ Trụ NXQ VI mang trọn vẹn nghĩa của Vũ Trụ giáo. Ta đã biết âm dương, tứ hành vận hành, chuyển hành, liên tác với nhau dưới dạng năng động tạo ra vũ trụ vạn vật, tạo ra Tam Thế, tạo ra sự Sống được biểu tượng bằng hình một cây gọi là Cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế, Cây Đời Sống. Chỏm cây, tán cây biểu tượng cho cõi trên hư không vũ trụ, cành cây ngang biểu tượng cho cõi giữa thế gian, gốc và rễ cây biểu tượng cho cõi dưới. Thân cây là trục thế giới thông thương ba cõi. Con người là tiêu biểu của sự sống, tam thế, là tiểu vũ trụ (microcosm) nên con người đứng hay ngồi dạng chân, giơ hai tay lên đầu, cũng mang hình ảnh cây đời, cậy vũ trụ, tam thế (xem  chương Khái Lược Về Vũ Trụ Giáo). Trống đồng Đông Sơn loại có hình dạng cây nấm, Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống bằng đầu như trống Ngọc Lũ I mang trọn ý nghĩa Vũ Trụ thuyết. Tôi gọi là trống cây Nấm Vũ Trụ (cosmic mushroom) hay gọi tắt là trống nấm Vũ Trụ, trống nấm. Trống Heger I thuộc về loại này. Đây là loại NXQ.VI (H.I).

Trống này lật ngược lên thành một vật đựng mang trọn nghĩa Vũ Trụ Tạo Sinh của ngành âm ví dụ bát nhang gồm Bát Tràng.

Một dàn trống có hình Nấm Vũ Trụ bên cạnh một ngôi nhà nọc, nhà mặt trời trên trống Ngọc Lũ I.

Trên  trống đồng Kur  ở Nam Dương còn ghi khắc lại một hàng chữ Hán mà các học giả Trung Hoa chỉ đọc được có hai chữ  “sán chí” tức Tam Thế. Có tác giả cho rằng trống này với hai chữ Tam Thế là trống của nhà Phật. Tôi không nghĩ như vậy. Theo tôi, hai chữ Tam Thế đây chính là điều mà người làm trống này muốn ghi khắc lại để nhắc cho mọi người biết đây là trống Tam thế theo Vũ Trụ Giáo.

Các học giả Việt Nam gọi trống nấm Vũ Trụ này là trống đồng Đông Sơn vì loại trống này tìm thấy nhiều nhất ở Việt Nam. Điểm này nói lên một điều rất quan trọng là trống đồng Đông Sơn nấm Vũ Trụ, về diện tôn giáo, là trống biểu của Vũ Trụ Giáo. Như thế Vũ Trụ Giáo thấy chủ yếu ở Việt Nam. Về mặt chủng tộc, trống đồng Đông Sơn là biểu tượng của đại tộc, của cả họ, của liên bang thờ Vũ Trụ Giáo hay Mặt Trời trong khi trống gió Shan, trống nước Nam Trung Hoa, trống lửa moko Nam Dương và trống đất có thân choãi ở vùng đất cao, vùng núi ở Việt Nam chỉ là biểu tượng cho từng tượng (một phần của Vũ Trụ thuyết) hay chỉ là biểu tượng của từng đại tộc, tộc, từng bộ, từng chi nhỏ mà thôi. Như thế đối chiếu với cổ sử và truyền thuyết Việt, trống đồng Đông Sơn Nấm Vũ Trụ có thể là trống biểu của liên bang Văn Lang, của Bách Việt. Nhưng điều quan trọng hơn cả là ta thấy rất rõ người Đông Sơn là chủ nhân của trống đồng nói chung.

Lưu Ý

Cần lưu tâm là trống Nấm Vũ Trụ, Nấm Tam Thế có thân trống hay trụ trống thẳng đứng như thân cây Tam Thế. Như đã nói ở trên, các học giả Việt Nam chia trống đồng Đông Sơn (NXQ VI) này ra làm hai ngành: ngành có thân thẳng đứng và ngành có thân choãi ra tức loại NXQ V. Theo các tác giả này, trống thân thẳng đứng thường tìm thấy ở đồng bằng trong khi trống có thân choãi ra thường tìm thấy ở vùng cao nguyên. Như thế ở vùng đồng bằng chúng ta có trống Nấm Vũ Trụ có trục thẳng biểu tượng cho trọn vẹn Vũ Trụ giáo, cho đại tộc, họ thờ Vũ Trụ giáo mặt trời và ở vùng cao, chúng ta có trống Nấm Vũ Trụ hình tháp có thân choãi biểu tượng cho tượng đất dương, cho Núi Thế Gian, cho Cõi Giữa, Cõi Người, cho Trục Thế giới, cho tộc Núi dương, tộc Hươu Đực (Hươu Sừng) (đối chiếu với cổ sử và truyền thuyết Việt là tộc Xích Quỉ của Lộc Tục Kì Dương Vương trong đó có ngành Hùng Vương lên núi của Mẹ Tổ Âu Cơ có biểu tượng là con nai sao cái) (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Trống đồng Đông Sơn đã xác định cổ sử và truyền thuyết Việt.

Tóm lại trống NXQ.VI (H.I) là trống Nấm Vũ Trụ, Nấm Đời Sống mang trọn vẹn ý nghĩa Vũ Trụ giáo.

Loại trống này thấy nhiều ở Việt Nam nên gọi là trống Đông Sơn.

Trống Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI này coi như là trống mẹ của các nhóm trống khác. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt là trống liên bang Văn Lang.

Xem giải đọc trống tiêu biểu của nhóm trống Đông Sơn này là trống âm dương Ngọc Lũ I.

Tổng kết

.Hình dạng của trống đồng nòng nọc, âm dương mang ý nghĩa nằm trong Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo. Các nhóm trống có hình dạng khác nhau mang ý nghĩa của một hình tướng trong Vũ Trụ Tạo Sinh và là trống biểu của họ, ngành, đại tộc, tộc ứng với triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh.

Qua sự phân bố dựa theo hình dạng của trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn ta thấy ở mỗi vùng có một một khuôn mặt trống đặc biệt chiếm đa số. Ví dụ

.Ở Việt Nam chúng ta có nhiều loại trống Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I) mang trọn vẹn triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh, trống biểu của Vũ Trụ giáo dựa trên căn bản nòng nọc, âm dương còn mang tính đề huề. Về phương diện nhân chủng học là trống biểu của họ Người Vũ Trụ ngành Mặt Trời Lửa Thái Dương. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt là liên bang Văn Lang.

Ngoài ra cũng thấy rất nhiều trống Nguyễn Xuân Quang V ở các vùng cao biểu tượng cho tượng Lửa thiếu dương, lửa đất thế gian Li, là trống biểu của đại tộc Li, người ở vùng cao, núi dất dương ứng với đại tộc Kì Dương Vương.

.Ở Nam Trung Hoa trống chệt Nguyễn Xuân Quang IV (Heger IV) chiếm đa số biểu tượng cho tượng nước dương, thái âm ngành dương, là trống biểu vủa đại tộc Chấn Nước dương. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt ứng với Lạc Long Quân Lạc Việt. Nam Trung Hoa là địa bàn của Lạc Việt Tráng Zhuang ruột thịt với Lạc Việt Việt Nam. Họ có rất nhiều trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn loại này.

.Ở vùng đông bắc Myanmar, tộc Shan, trống Nguyễn Xuân Quang III chiếm đa số biểu tượng cho tượng khí gió thiếu âm Đoài vũ trụ ngành dương, là trống biểu của đại tộc Đoài vũ trụ khí gió. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt là trống biểu của một tộc ứng với Lang Việt của Hùng Vương.

.Ở Nam Dương, có loại trống chầy đặc biệt pejeng, moko Nguyễn Xuân Quang loại II biểu tượng cho tượng lửa thái dương vũ trụ Càn, là trống biểu của đại tộc Càn (những tộ này ở hải đảo nên Càn nghiêng về Càn ngành nước).

Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt là trống biểu của những tộc ngành Dương Việt Đế Minh.

Như thế qua sự phân bố của các nhóm trống theo hình dạng ứng với sự phân loại dựa trên Vũ Trụ giáo của Nguyễn Xuân Quang cho thấy rõ trống Đông Sơn hình cây nấm vũ trụ Nguyễn Xuân Quang VI là trống biểu trọn vẹn của Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo, là trống biểu tượng cho của chủng người vũ trụ, ngành mặt trời nọc thái dương mang tính chủ. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt là trống liên bang Văn Lang ngành Người Việt Mặt Trời thái dương. Trống này là trống Mẹ của các nhóm trống con khác và là trống liên bang, mẫu quốc. Điểm này cho thấy rõ trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn là của Việt Nam, của Bách Việt.

Các trống ứng với các tượng của tứ tượng chỉ là trống biểu của các đại tộc nằm trong triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh, trong chủng người vũ trụ. Các tộc này chỉ là các đứa con của mẹ Đông Sơn.

Qua sự phân bố này cũng giúp xác định được biên giới của đại tộc Đông Sơn, của liên bang Văn Lang.

 

This entry was posted in Trống Theo Hình Dạng. Bookmark the permalink.

Leave a comment